1 tháng 2, 2009

Thuyết "Thiên nga đen"

Mình vào DT, đọc bài thuyết Thiên nga đen, hay. Mình thích đoạn này hay và rất thú vị. Chi tiết như sau"

Thuyết 'Thiên nga đen' và thị trường chứng khoán

Con người có thể tính toán chính xác đến từng giây lúc nào có nhật thực, nhưng không thể dự báo chính xác ngày mai giá chứng khoán sẽ như thế nào. Mọi quy luật kinh tế đều phải chiếu qua lăng kính tâm lý con người để rồi biến đổi khôn lường như chiếc kính vạn hoa.

Dự báo kinh tế bấy lâu nay còn tương đối chính xác do người ta cùng chia sẻ một niềm tin rằng nếu làm như thế này sẽ có kết quả như thế kia. Chẳng hạn, nếu hạ lãi suất, người dân sẽ vay tiền làm ăn nhiều hơn. Nay bỗng khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra, mọi giá trị bị đảo lộn, niềm tin biến mất, và mọi dự báo hóa ra đều trật lất. Lúc giá dầu thô vọt lên đỉnh 147 đôla một thùng, có ai dám nói nó sẽ rớt xuống dưới mức 50 đôla chỉ trong vòng bốn tháng?

Chẳng lạ gì khi cuốn “Thiên nga đen” của Nassim Taleb được xuất bản vào tháng 5/2007, có vô số bài điểm sách chê bai tác giả đủ điều và cũng chẳng lạ gì đến cuối năm 2008, hàng chục bài báo nhắc đến nó như một dấu ấn của một thiên tài suýt bị bỏ sót.

Đến nay “Thiên nga đen” bán được trên 370.000 cuốn ở Mỹ và Anh, đang được dịch ra 27 thứ tiếng và liên tục nằm trên danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong 17 tuần liền.

Tư tưởng chủ yếu của Taleb, một giáo sư toán tài chính tại trường New York University, có thể tóm gọn trong một câu: Tất cả chúng ta đều nhắm mắt làm ngơ trước các biến cố hiếm hoi và cứ ảo tưởng mình có thể tiên đoán mọi rủi ro, mọi cơ hội.

Taleb tin rằng nhà đầu tư thường bỏ qua nguy cơ thị trường biến động mạnh, đặc biệt trong suốt thời gian dài kinh tế phát triển ổn định. Ông viết: “Chúng ta cứ gán thành công cho sự tài tình của bản thân còn thất bại là do biến cố ngoại lai, nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Ông cho rằng các biến cố lớn thường xảy ra trong tài chính hơn ở ngoài đời và đưa ra ví dụ: “Nếu ta lấy ngẫu nhiên từ dân số toàn cầu hai người có chiều cao tổng cộng là 3,4 m. Xác suất mỗi người cao bao nhiêu? 3 m và 0,4 m? Làm gì có, xác suất cao nhất là 1,7 m và 1,7 m.

Nhưng trong tài chính, sự việc lại ngược lại. Nếu cũng lấy ngẫu nhiên từ dân số toàn cầu hai người có tổng tài sản là 14 triệu bảng Anh. Không lẽ xác suất dễ xảy ra nhất là mỗi người có 7 triệu bảng? Cũng làm gì có, thông thường là 5.000 bảng một bên và bên kia là 14 triệu bảng trừ bớt 5.000 bảng”.

Vì sao sách có tựa đề là “Thiên nga đen”? Đã có thời ai cũng nghĩ thiên nga toàn màu trắng cho đến lúc các nhà thám hiểm khám phá thiên nga đen ở Australia. “Thiên nga đen” là ẩn dụ chỉ những điều không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng xảy ra.

Sách phát hành chỉ mấy tháng là cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ các khoản nợ dưới chuẩn trên thị trường địa ốc, nổ ra. Chứng khoán toàn cầu chao đảo từ đó đến nay. Và Taleb trở nên nổi tiếng - khủng hoảng càng lan rộng ở mức độ gây kinh ngạc chừng nào, ông càng nổi tiếng chừng đó.

Không chỉ viết sách, Taleb còn thực hành ngay điều mình tin tưởng. Ông hùn hạp mở một quỹ đầu cơ phòng hộ Universa Investment mà chiến lược kinh doanh dựa nhiều vào những điều ông viết, đặc biệt là phải làm gì để “tận dụng cơ hội” khi thị trường tụt dốc. Quỹ này có nhiều quỹ riêng và trong tháng 10/2008 đầy biến động, chúng đều tăng trưởng từ 65-115% trong khi các quỹ khác thua lỗ nặng nề.

Quay trở lại lý thuyết “Thiên nga đen”, Taleb cho rằng con người có xu hướng bỏ qua các biến cố lớn với xác suất thấp bởi “các chuyên gia” thường đưa ra dự báo dựa vào các mối liên hệ đã được quan sát trong quá khứ. Ông chia các hiện tượng thành hai loại và đặt tên chúng là Mediocristan (Bình thường) và Extremistan (Cực độ).

Loại Mediocristan thường có độ ngẫu nhiên thấp như chiều cao, cân nặng, chỉ số IQ, thu nhập của giáo viên; còn loại Extremistan có độ ngẫu nhiên cao có sự phân bổ khác thường không tiên đoán được như tài sản, dân số của các thành phố, thiệt hại do động đất, giá hàng hóa và chứng khoán.

Ví dụ, lấy một nhóm 100 người ngẫu nhiên, thêm vô anh chàng cầu thủ bóng rổ Yao Ming cao kều, chỉ số chiều cao bình quân của nhóm sẽ tăng chút ít nhưng không đáng kể. Cũng nhóm 100 người này, bổ sung thêm tỷ phú Bill Gates thì bỗng nhiên, tài sản bình quân của nhóm sẽ tăng đột ngột. Như vậy chiều cao của Yao Ming là loại Mediocristan còn tài sản của Bill Gates thuộc loại Extremistan.

Tiến bộ xã hội, nhất là do khoa học kỹ thuật, đã làm loại Extremistan xuất hiện nhiều hơn và liên quan đến con người nhiều hơn. Ví dụ, trước khi có công nghệ thu âm, thu nhập của ca sĩ được phân bổ đều hơn bây giờ. Taleb tin rằng bộ não con người phù hợp với một thế giới đơn giản hơn là thế giới phức tạp như ngày nay. Con người vẫn có xu hướng thấy, tin và nhớ lâu những dữ kiện củng cố suy nghĩ của chúng ta, những sự kiện phù hợp với dự phóng của con người về tương lai.

Cũng đúng là các nhà phân tích chứng khoán hành động rất buồn cười. Họ có thể cho rằng chứng khoán tăng giá vì Obama đắc cử và hôm sau nói ngược lại chứng khoán giảm do Obama sắp lên làm tổng thống - tức diễn giải sự kiện theo suy nghĩ chủ quan.

Giả dụ, một phụ nữ có thai đi qua, đối với người quan sát, đứa bé là con trai hay con gái hoàn toàn là điều ngẫu nhiên nhưng đối với bà mẹ (đã đi siêu âm) thì giới tính của con mình đã là chuyện đương nhiên. Ngẫu nhiên và đương nhiên cùng nằm trong một sự việc, chỉ khác ở góc nhìn nhưng không ai chịu nhìn từ nhiều góc độ.

Sự thành công của cuốn “Thiên nga đen” đem đến cho Taleb nhiều “biến cố bất ngờ” - nói theo ngôn ngữ của ông. Trước tiên là một hợp đồng viết tiếp cuốn khác, có thể có tựa đề Tinkering (Chỉnh sửa) với tiền ứng trước lên đến 4 triệu đôla. Cuốn này bàn về chuyện làm thế nào để sống trong một thế giới chúng ta không hiểu hết.

Hiện nay ai muốn mời Taleb đến nói chuyện, xin trả một buổi như thế chừng 60.000 đôla. Khách hàng lại không thiếu, kể cả NASA, nhờ Taleb bày cách xác định con “thiên nga đen” trong việc chuẩn bị các chuyến bay vào vũ trụ; Cơ quan phòng chống hỏa hoạn của Mỹ muốn ông nói về xác suất cháy rừng…

Mới tháng 12/2007, Taleb đứng trước chừng 30 viên chức cao cấp của Ngân hàng Société Générale của Pháp và thẳng thừng cảnh báo, việc sáp nhập nhiều ngân hàng trong những năm qua đã đưa đến số lượng ngân hàng ít hơn nhưng quy mô lớn hơn nên độ tập trung rủi ro cũng cao hơn. Như thế xác suất ngân hàng thua lỗ nặng nề vì biến cố không lường trước lại cao hơn chứ không giảm đi.

Chỉ sáu tuần sau đó, Société Générale báo cáo thua lỗ 4,9 tỷ euro, mức thua lỗ cao nhất của một ngân hàng cho đến lúc đó. Có lẽ sự chao đảo của hệ thống ngân hàng toàn cầu càng minh chứng cho tiên đoán này.

Những phê phán của giới học thuật nhắm vào Taleb tập trung vào một số điểm như đã từng có nhiều sách viết về xác suất các biến cố bất thường, chuyện Taleb nói không gì mới, chỉ gặp may là đúng thời.

Một số bài điểm sách chê trách Taleb dùng lối văn trịch thượng, mỉa mai đủ hết mọi giới học giả. Nhiều người trong giới tài chính cho rằng tính toán dự báo tài chính luôn liên tục cập nhật thông số mới để đưa ra dự báo mới chứ không làm lơ như cáo buộc của Taleb. Nhưng cập nhật vẫn là dựa vào quá khứ, nên không dự báo được những cái không bình thường hay cực độ mà Taleb nói tới.

Thật ra, cái thiếu dễ thấy nhất của “Thiên nga đen” là chỉ nói khơi khơi những hiện tượng Taleb quan sát được chứ không đưa ra giải pháp gì, ngoài chiến lược “đánh quả” trên thị trường chứng khoán. Và những quan sát đó, nhiều cái rất bất ngờ và đầy tính thuyết phục, đã làm nên sức hút của cuốn sách.

Thế nhưng ý nghĩa của cuộc sống này là gì nếu không phải là sự ngẫu nhiên của số phận và từ đó mới có sức mạnh của niềm tin. Giả sử lý giải của Taleb là đúng, có lẽ chẳng ai chịu ra sức vì một cái tương lai mà họ cho rằng họ có quyền hướng đến theo ý chí và nỗ lực bản thân của họ.

Cũng đã có nhiều cuốn tiểu thuyết dựa vào ý tưởng có người biết trước được tương lai nhưng tất cả cuối cùng đều muốn từ bỏ khả năng này vì với họ, cuộc sống không còn chút xíu gì ý nghĩa nữa khi ta biết rõ từng giây sau sẽ như thế nào. Ngay cả trong chiến lược làm ăn theo kiểu “Thiên nga đen”, hình ảnh một quỹ đầu cơ cứ chăm chăm đợi thị trường biến động để hưởng lợi cũng chẳng khác gì hình ảnh bầy quạ đen chăm chăm chờ chiến tranh xảy ra.

Thị trường xáo động khi mọi người mất niềm tin - vấn đề niềm tin này có thỏa đáng hay không là chuyện khác - và cả xã hội toàn cầu cũng sẽ rơi vào bất ổn nếu mọi người không còn tin vào hệ quả của hành vi từng được điều kiện hóa qua mấy ngàn năm tiến hóa. Và sức mạnh của nhân loại nằm ở chỗ họ biết điều chỉnh niềm tin để dần dần hướng đến cái tốt hơn, công bằng hơn và phổ quát hơn."

và đây là ý kiến bình luận đọc 1lần à khóai

Điểm sách: Thiên Nga Đen [Phần 1]
Ngô Quang Hưng -- 29 tháng 09, 2007 -- Bản để in
Đã có một đống reviews quyển sách NY Times Best Seller này từ rất nhiều các báo chí danh tiếng. Tôi không đọc hầu hết các reviews này, tự viết bao giờ cũng thích hơn!

(Ảnh của Wikipedia.) Trước khi khám phá ra thiên nga đen tồn tại trên đời (ở Úc), người ta đã tin rằng tất cả các thiên nga đều trắng. Một sự kiện bất ngờ như thế thay đổi toàn bộ thế giới quan (về thiên nga) của nhân loại. Đây là cái theme của quyến sách.

Nhận xét chung: Taleb không có nhiều ý tưởng thật sự mới, nhưng lối trình bày provocative và các bằng chứng trải rộng nhiều nhánh tư duy cho ta một bức tranh nhiều màu sắc về đề tài này. Quyển sách hấp dẫn dù khá dài dòng văn tự, ta có cảm giác như đang ngồi nhậu với một ông chú biết nhiều nhưng … hơi xỉn và đang lè nhè dông dài. Quan trọng hơn cả, nó làm ta suy nghĩ! Đó là thành công của quyển sách.

Trong Black Swan, Taleb muốn thuyết phục chúng ta các luận điểm chính sau đây.


1. Extremistan và Mediocristan: Sự vận hành của thế giới trong một domain nào đó (lịch sử, kinh tế, tài chính, thời tiết, v.v.) thuộc về một trong hai loại: Extremistan và Mediocristan. Theo ngôn ngữ thống kê thì Extremistan chứa các fat-tail distributions, và Mediocristan chứa các loại distributions kiểu Gaussian.

Ví dụ: xét 1000 người bất kỳ đang đọc blog Minh Biện (wishful thinking is a virtue!). Bỗng nhiên Bill Gates ghé qua làm cho cái mean-income tăng đột biến, trong khi đó dù có Yao Ming nhắm nhé thì vẫn không làm tăng chiều cao trung bình lên mấy. Income distribution thuộc về Extremistan, còn height-distribution thuộc về Mediocristan.

Taleb đưa ra rất nhiều ví dụ để minh chứng rằng thế giới này càng lúc càng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các Extremistan distributions: ngày 11/9, sự phát triển đột biến của Internet, Google, vụ sụp đổ của Long-Term Capital Management, vụ sập thị trường chứng khoán năm 1987, chiến tranh, sự khám phá ra thiên nga đen ở Úc, v.v.. Đây là các distributions mà một sự kiện hiếm hoi có thể thay đổi toàn bộ cấu trúc của distribution. Do đó, khi cái sự kiện unlikely này xảy ra, hậu quả thường rất nghiêm trọng vì chúng ta tập trung “model” cái “bình thường” (với một Gaussian-like distribution nào đó mà Taleb gọi là “trò lừa đảo trí thức vĩ đại”).

Nhận xét: ý tưởng này không mới. Tôi rất ngạc nhiên là Taleb, một người đọc rất nhiều như ông thể hiện trong sách (thậm chí NP-completeness cũng được nhắc đến ở một footnote), lại không nhắc gì đến The Structure of Scientific Revolutions của Kuhn. Cái mới ở đây — và xuyên suốt quyển sách — là cách trình bày vấn đề của Taleb, và lối hành văn trịch thượng đội lối hài hước, hoặc hài hước đội lốt trịch thượng. Lúc đầu đọc thấy hơi khó chịu, nhưng đọc một chút rồi thấy têu tếu. Về mặt kỹ thuật thì GARCH, Extreme Value Theory, robust statistics là ví dụ của các phát triển kỹ thuật để giải quyết trường hợp thiên nga đen. Phỏng vấn Taleb ở đây có nhiều câu hỏi hay mà Taleb không trả lời thỏa đáng. Tờ The American Statistician cũng có các bài review trong số tháng 8, và bài trả lời của Tabeb.

2. Narrative Fallacy: đây là một lỗi logic có nguồn gốc sinh học. Taleb cho rằng (và tôi đồng ý) rằng con người có xu hướng dùng pattern recognition để “fit” các quan sát mới vào các mô hình đã có sẵn trong đầu. Báo chí, ví dụ, khi báo cáo các tin tức thường tìm cách ghép chúng vào nhau theo một trật tự nhân quả nào đó để cho dễ nhớ và dễ “make sense of the world”. Cụ thể hơn, ngay sau khi Saddam Hussein bị bắt thì Bloomberg News chạy cái tít sau đây: “U.S. Treasuries Rise; Hussein Capture May Not Curb Terrorism”, nửa tiếng sau đó thì U.S. Treasuries giảm và họ đổi ngay một cái tít khác: “U.S. Treasuries Fall; Hussein Capture Boots Allure of Risky Assets”.

Taleb đưa ra rất nhiều ví dụ kiểu này để minh họa rằng cái xu hướng “make sense of the world” của con người làm cho chúng ta có thói quen xấu nhét những cái “nhân” nhố nhăng để giải thích cái “quả” nào đó. Khi đã “fit” một cái nhân vào thì thường là ta rơi vào cái hố Mediocristan, trong khi cái ta đang quan sát có thể lại là Extremistan — cái mà Taleb cho rằng đang có xu hướng thống trị thế giới.

Nhận xét: ý tưởng này cũng không mới. Người ta đã biết về xu hướng “pattern recoginition” này của não bộ trong các nghiên cứu y sinh học từ lâu. Tôi đọc trong quyển The God Delusion và the Selfish Gene của Richard Dawkins thấy nói nhiều về đề tài này. Ví dụ: khi nhìn thấy một cái bóng cây buổi tối, đôi khi ta giật mình vì tưởng nó là bóng người. Trong ngữ cảnh khác, tôi để ý thấy các tranh luận trên các diễn đàn Internet thường dẫn đến deadlock vì mỗi người tìm cách “fit” các quan sát và luận điểm vào mô hình họ có sẵn. Anh nào biết game theory thì dùng game theory để giải thích. Chị nào sùng đạo thì bảo thượng đế muốn thế. Anh nào nghiêng cánh trái thì trích Marx, chị nào nghiêng cánh phải thì trích Friedman. Đối với cá nhân tôi, như có lần tôi đã nói, “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”. (Hừm, bạn đừng nghĩ tôi “fit” lý luận này vào Đặng ).

3. Confirmation Bias:

Đây là một trong những lỗi logic nhiều người phạm phải mà tôi thấy bức xúc nhất trong các lỗi logic. Do đó, tôi rất đồng cảm với Taleb về các thảo luận xung quanh lỗi confirmation bias. (Dĩ nhiên, như các phần các trong quyển sách, Taleb viết ngông nghênh và phóng đại, có khả năng làm một số bạn đọc phiền lòng.)

Confirmation bias là lỗi chỉ nhăm nhăm đi tìm bằng chứng ủng hộ một mệnh đề nào đó, rồi cho rằng mệnh đề đó đúng. Các ví dụ của Taleb đa phần nhắm “bắn” vào các ngành tài chính, kinh tế, và khoa học xã hội. Ví dụ, Taleb cho rằng thị trường tài chính về cơ bản là không dự đoán được, nhưng người ta vẫn lăng xê nhiều “thiên tài” bằng cách như sau: anh nào đầu tư lỗ lã thì bị đuổi, anh nào đầu tư có lời thì được giữ lại. Như vậy, cơ chế giữ nhân viên kiểu này nghiễm nhiên giữ lại “thiên tài”, cho dù họ chỉ may mắn đầu tư có lời. (Tôi không chuyên về tài chính nên xin dành cho các chuyên gia “bắn” lại Taleb về ví dụ này.) Taleb có một ví dụ khác tôi thấy rất hay: ai cũng kể vào resumé của mình tất cả những thành tích mà mình đã đạt được, nhằm minh chứng rằng mình khá/giỏi về một lãnh vực nào đó. Đây cũng là một dạng confirmation bias. Taleb cho rằng, nếu ta kể trong resumé những thứ mà ta không biết, hoặc đã thất bại trong lãnh vực nọ, hoặc liệt kê cả thành lẫn bại, thì có phải là thông tin chính xác hơn, và resumé ít ấn tượng hơn không.

Nhận xét: riêng về đề tài này tôi có rất nhiều ví dụ tự mình quan sát thấy hàng ngày.

Những người tin bói toán thường chỉ nhớ những gì thầy bói nói đúng, nâng ông thầy bói lên thành “thông thiên bác học”. Một số người muốn chứng minh họ có giác quan thứ sáu bằng cách phạm lỗi lầm kiểu như sau, “tôi vừa nghĩ đến anh X thì anh X gọi điện thoại”. Hừm, những khi nghĩ đến anh X mà anh X không gọi điện thoại thì ta đâu có nhớ tới sự kiện đó. Trong quyển sách best-seller Surely you’re joking Mr. Feynman, Richard Feynman có kể lại vài chuyện về cái “giác quan thứ sáu” này rất tếu. Vân Vân và vân vân.
Tôi đi đón con ở nhà trẻ, hay thấy cô giáo bế con mình! Nếu không ý thức về confirmation bias, có thể tôi đã kết luận rằng con mình buổi chiều hay quấy nên cô giáo bế, hoặc cô giáo thích con mình nên hay bế nó. Trên thực tế, cả hai kết luận đều sai, tôi chỉ chú ý khi đứa trẻ cô bế là con mình.
Từ ví dụ “resume” của Taleb, tôi nghĩ đến ví dụ sau đây. Chúng ta thường hay khen “anh X thông minh lắm”, sau đó cho nhiều bằng chứng cho thấy anh X thông minh như giành giải nhất IMO năm 19yy, có Ph.D. xuất sắc ngành zzz, vân vân. Nhưng nếu, cũng anh X nọ, ta lại đi liệt kê một danh sách những điều ngu ngốc anh ta đã làm (tôi đảm bảo là khá dài — nếu suy từ bụng tôi ra), thì mệnh đề “anh X thông minh lắm” biến thành mệnh đề rỗng. (Cần thêm quantifiers cho các mệnh đề kiểu đó!)
Về mặt kỹ thuật, nhiều quyển sách lý thuyết xác suất có nêu ra trò lừa đảo sau đây, minh họa rất tốt cho cái confirmation bias. Giả sử mỗi sáng chủ nhật, bạn nhận được một email từ công ty Đoán Giá Xì Tốc Inc. dự đoán stock của AT&T tuần tới sẽ tăng hay giảm. Email này để minh chứng là họ nói đúng, và nói với bạn rằng nếu bạn trả cho họ 100USD, họ sẽ gửi dự đoán tuần kế tiếp cho. Hơn thế nữa, công ty Đoán Giá Xì Tốc Inc. sẽ bồi hoàn toàn bộ 100USD nếu họ đoán sai. Hấp dẫn chưa?
Bạn chưa tin tưởng lắm, vì sợ họ lừa đảo gì đó. Tuần sau, bạn thấy họ đã đoán đúng tuần trước, và lại nhận được một email y chang như thế. Họ đoán đúng liên tục 7 tuần liền! À hah. Chắc công ty này (CEO tên là NQH) phải sở hữu “thiên tài” đoán giá xì tốc. Đến đây thì bạn tin sái cổ. Xác suất đoán ngẫu nhiên mà trúng 7 lần liên tục là 1/128. Rất thấp!

Công ty đó có “thiên tài” thế này. Tuần đầu tiên họ gửi email đến 128 người, một nửa số đó đoán stock tăng, một nửa đoán stock giảm. Tuần sau họ chỉ gửi email đến 64 người mà lượt email đầu đã đoán trúng! Cứ thế 7 tuần liền. Dĩ nhiên, họ không chỉ gửi ra 128 emails mà sẽ gửi 128 triệu email. Nếu chỉ 1/100 số người nhận “7 lần đoán trúng” này bị lừa, cho họ 100USD, thì họ đã kiếm được 10 triệu USD trong 7 tuần. Đơn giản chưa? Chẳng qua, bạn tin “thiên tài” của họ vì bạn chỉ có bằng chứng “confirm” cái thiên tài đó mà không biết về các bằng chứng ngược lại. Tôi rất thích ví dụ này vì nói xong ai cũng hiểu ngay ý nghĩa của lỗi “confirmation bias”.

Về mặt triết học thì Karl Popper (và phần nào, cả David Hume trước đó) đã thiết kế cả một nền tảng lý thuyết về confirmation bias và cái ông gọi là corroboration of evidence (xem quyển Logic of Scientific Discovery, và quyển Cọnjectures and Refutations). Tuy nhiên, tôi lại thích nhất tư tưởng của Popper như ông trình bày rất rõ ràng trong quyển Poverty of Historicism (bác Nguyễn Quang A đã dịch quyển này sang tiếng Việt với tựa đề “Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử,”, tiếc rằng bản dịch này cực rối rắm, kiểu sấm Hegel). Cho dù Lakatos đã có những phê phán sắc sảo về chi tiết kỹ thuật, tôi vẫn thấy cơ sở lý luận của Popper về cơ bản là cách tốt nhất để phân biệt khoa học và ngụy khoa học, dự đoán khoa học và “rùa rắn khoa học” kiểu công ty Đoán Xì Tốc Inc.
Popper quan sát thấy rằng, rất nhiều nhánh “khoa học xã hội” (bao gồm Marx và Freud) phạm phải narrative fallacy và confirmation bias. Họ có một lý thuyết vĩ đại nào đó, sau đó “fit” các sự kiện lịch sử vào lý thuyết đó. Sự kiện lịch sử nào không fit vào lý thuyết thì được xem là “outlier”. Không có một lý thuyết khoa học xã hội nào dự đoán chính xác được cái gì. Ngoài ra, lối trình bày lý thuyết một cách mù mờ làm cho các “lý thuyết” này tưởng chừng như đoán được nhiều thứ mà thật ra cũng chỉ là “trò lừa đảo vĩ đại” theo lời Taleb. Một lỗi nữa cũng rất nghiêm trọng là khi lịch sử không “fit” vào lý thuyết nào thì các “nhà khoa học” này thay đổi lý thuyết để “fit” lịch sử.

Taleb có nhắc đến Popper vài trang, nhưng tôi thấy Taleb chưa “give full credit” cho Popper. Toàn bộ quyển sách của Taleb có thể được tóm gọn là “tư tưởng Popper qua ngôn ngữ xác suất đại chúng”.

Riêng về dự đoán thì tôi đồng ý với Popper 2 tay 2 chân. Khi nào bạn đọc một lý thuyết chính trị vĩ đại nào đó, bạn thử làm thí nghiệm sau đây trong đầu: nếu ta đem lý thuyết này dự đoán tương lai thì nó đúng được bao nhiêu phần trăm? (Nhớ đừng phạm phải lỗi confirmation bias.) Khi làm thí nghiệm này xong tôi thường thấy các lý thuyết này không ấn tượng như chiều dày của quyển sách chứa nó nữa! Popper đã có một quan sát rất chính xác, nếu chỉ chăm chăm đi tìm bằng chứng ủng hộ một mệnh đề mù mờ nào đó, thì chúng ta gần như có thể chứng minh bất kỳ điều gì!







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét